Lượt xem: 255

Cần thận trọng khi sản xuất lúa Đông Xuân muộn

Vụ Đông Xuân được xác định là vụ lúa mang tính quyết định đến chỉ tiêu sản lượng lúa hằng năm của tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, đây cũng là vụ sản xuất thường xuyên chịu ảnh hưởng do tác động từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng xâm nhập mặn diễn ra vào thời điểm canh tác lúa Đông Xuân muộn (hay còn gọi là lúa vụ 3). Trước dự báo về diễn biến xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đang tích cực phối hợp cùng các địa phương, khuyến cáo nông dân cân nhắc thật kỹ giữa lợi ích trước mắt và lâu dài khi quyết định đầu tư vào mùa vụ sản xuất nhiều rủi ro này.

 


Khảo sát tình hình xuống giống vụ Đông Xuân muộn tại huyện Kế Sách.

 

    Diện tích canh tác lúa tại huyện Kế Sách là khoảng 9.000 ha. Do là vùng hở, khả năng trữ nước thấp nên một khi mặn xâm nhập sâu sẽ bị ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho cây trồng, đặc biệt là ở các khu vực sản xuất lúa 3 vụ như các xã: An Mỹ, Kế Thành, Thới An Hội và thị trấn Kế Sách. Căn cứ dự báo của cơ quan chuyên môn cùng diễn biến tình hình độ mặn thực tế tại địa phương, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cũng đã chủ động xây dựng lịch thời vụ xuống giống lúa Đông Xuân muộn theo mục đích “né mặn”, với 2 đợt chính. Theo đó, đợt 1 xuống giống từ ngày 12/01 đến ngày 06/02, đợt 2 từ ngày 13/02 đến ngày 19/02. Tính đến nay, diện tích xuống giống toàn huyện đạt trên 2.000 ha.

    Đồng chí Trần Văn Toàn - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kế Sách cho biết: “Để chuẩn bị tốt cho vụ lúa Đông Xuân muộn, cũng như công tác phòng chống hạn, mặn năm 2024 được tốt hơn, chúng tôi khuyến cáo bà con ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân sớm nên khẩn trương tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất, tiến hành xuống giống càng sớm càng tốt. Đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ là từ 2 đến 3 tuần. Ngoài ra bà con cần tăng cường nạo vét kênh mương, gia cố bờ bao để tích trữ nước ngọt, tránh nước mặn xâm nhập”.

    Riêng tại huyện Long Phú, hiện đã thu hoạch được trên 6.000 ha lúa Đông Xuân chính vụ. Năng suất và giá bán đều cao hơn so với cùng kỳ mang đến niềm phấn khởi cho bà con nông dân. Từ tín hiệu lạc quan này, tại các khu vực thu hoạch sớm, nông dân đã tiến hành xuống giống vụ lúa Đông Xuân muộn với diện tích khoảng 1.000 ha, dự báo đến cuối kỳ thu hoạch, con số này nhiều khả năng sẽ tăng đến 6.000 ha. Trong tình hình này, năng suất và chất lượng trà lúa ở giai đoạn cuối vụ nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng, bởi nếu mặn xâm nhập sâu và tăng cao, hệ thống kênh thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhựt chỉ có thể cung cấp lượng nước ngọt dự trữ cho khoảng 1.000 đến 2.000 ha.

    Đồng chí Lê Thành Thái - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết thêm: “Với góc độ chuyên môn, Phòng cũng tham mưu cho UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con không sản xuất vụ lúa Đông Xuân muộn. Vì với hệ thống kênh thủy lợi trên địa bàn, nếu bà con xuống giống với diện tích 16.000 ha đất canh tác lúa của toàn huyện thì sẽ không đủ lượng nước ngọt đáp ứng việc tưới tiêu cho bà con trong thời gian tới”.

    Nhằm bảo toàn hiệu quả sản xuất cho bà con trồng lúa trong mùa khô năm nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã xây dựng lịch thời vụ khuyến cáo cho các vùng sớm hơn 15-20 ngày để né hạn, mặn vào cuối vụ; đồng thời, khuyến cáo nông dân ở những vùng khó khăn về nguồn nước tưới không nên sản xuất vụ Đông Xuân muộn. Tuy vậy, do năm nay lúa có giá cao, nên một số nông dân vẫn tự phát xuống giống. Dự kiến, toàn tỉnh còn khoảng 28.000 ha trong kế hoạch chuẩn bị xuống giống tại các huyện: Kế Sách, Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị và khoảng 7.500 ha không nằm trong kế hoạch.

    Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Vụ Đông Xuân 2023 – 2024, mực nước ngọt ở thượng nguồn sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Do đó, tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt và cao điểm vào khoảng tháng 2 và tháng 3 năm 2024. Đối với các vùng rủi ro cao, có nguy cơ thiếu nước ngọt, chúng tôi khuyến cáo bà con nên luân canh các cây trồng cạn để hạn chế việc sử dụng nước ngọt, như vậy sẽ đảm bảo hơn so với việc chúng ta canh tác lúa trong điều kiện hạn, mặn”.

    Tại Sóc Trăng, theo kết quả đo độ mặn nguồn nước hằng ngày của Chi cục Thủy lợi, hiện nay, mặn đã bắt đầu xuất hiện tại các cửa sông. Các vùng sản xuất có nguy cơ cao bị ảnh hưởng xâm nhập mặn gồm 2 huyện ven biển là Trần Đề và Long Phú với diện tích gần 40.000 ha đất trồng lúa trong vùng thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt. Đặc thù của hệ thống thủy lợi này là có bờ bao khép kín, các cống như: Bà Xẩm, Cái Quanh, Cái Xe - là những cống đầu nguồn tiếp ngọt cho toàn vùng. Tuy nhiên, trường hợp mặn xuất hiện khoảng 2‰ vào vàm Đại Ngãi, thì khả năng tiếp nước cho vùng là rất khó, do toàn bộ hệ thống cống phải đóng lại để ngăn mặn. Đồng chí Trầm Việt Quang – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy lợi tỉnh thông tin: “Lực lượng công nhân quản lý cống hiện đang theo dõi sát diễn biến độ mặn. Khi mà độ mặn giảm xuống sẽ tranh thủ lấy nước để phục vụ sản xuất cho bà con. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới tháng 1 năm 2024 thôi, vào tháng 2, tháng 3 là cao điểm mùa khô thì mặn sẽ diễn ra gay gắt hơn. Nếu mặn xuất hiện trong thời gian dài thì chúng tôi buộc phải đóng tất cả các hệ thống cống. Hậu quả thì sẽ giống như các đợt hạn, mặn cực đoan vừa rồi, nguồn nước trong thệ thống kênh sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng”.

    Trong điều kiện nguồn nước đảm bảo, thì lúa vụ 3 sẽ là vụ sản xuất mang đến năng suất rất cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, một khi hạn, mặn diễn biến gay gắt, rủi ro ảnh hưởng là không nhỏ, bởi phần lớn vùng sản xuất của Sóc Trăng là vùng hở, khả năng khống chế mặn là rất khó. Do vậy, bên cạnh nỗ lực từ cơ quan chuyên môn, nông dân cần linh hoạt bố trí thời vụ sản xuất, ưu tiên chuyển đổi cây trồng hợp lý, tiết kiệm nước tưới để đạt được hiệu quả kinh tế tối ưu.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 84
  • Hôm nay: 380
  • Trong tuần: 70,807
  • Tất cả: 11,802,814